Theo Phó Thủ tướng, việc khởi công đồng thời, sớm đưa vào sử dụng hai đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (100,8 km); Phan Thiết-Dầu Giây (99 km), được kỳ vọng trở thành động lực mới để các địa phương dọc tuyến phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư để khai thác hết các tiềm năng và thế mạnh của các địa phương.
Sáng 30/9, tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong (Bình Thuận), Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức khởi công Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Bộ GTVT và các Bộ, ngành liên quan đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để sớm khởi công dự án; biểu dương địa phương về công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là lãnh đạo địa phương và người dân Bình Thuận đã thực hiện rất tốt, cơ bản bàn giao xong mặt bằng, tạo thuận lợi trong quá trình thi công.
Theo Phó Thủ tướng, việc khởi công đồng thời, sớm đưa vào sử dụng hai đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (100,8 km); Phan Thiết-Dầu Giây (99 km), được kỳ vọng trở thành động lực mới để các địa phương dọc tuyến phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư để khai thác hết các tiềm năng và thế mạnh của các địa phương.
Trong đó, sẽ rút ngắn đáng kể hành trình từ TP.HCM đến các trung tâm kinh tế, du lịch như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà…
Từ đây, mở ra cơ hội lớn cho đầu tư phát triển khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1A; giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía nam với khu vực miền Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ cũng như từ Bắc vào Nam; tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến, các khu du lịch sinh thái ven biển của Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà.
Với ý nghĩa đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án 7 cùng các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công và UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp chặt chẽ, bảo đảm kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công, đảm bảo công trình hoàn thành trong thời gian nhanh nhất, đạt chất lượng tốt nhất.
Trước hết, yêu cầu Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án 7 (chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị dự án) cùng các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công tập trung huy động tối đa nhân lực, thiết bị, công nghệ, vốn để thực hiện dự án bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, an toàn, hiệu quả, bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình thi công.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, các đơn vị tư vấn, nhà thầu trong quá trình thực hiện dự án.
Đặc biệt, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân, bảo đảm các yêu cầu về an ninh trật tự, bảo đảm ổn định cuộc sống người dân.
"Bộ GTVT cần đẩy nhanh xúc tiến nhanh sớm khởi công 5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam còn lại như: Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo... để sớm kết nối đồng bộ các tuyến cao tốc phía Đông. Rà soát cập nhật bổ sung thực hiện các tuyến cao tốc khác, nỗ lực đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT chuẩn bị công tác chuẩn bị đầu tư các tuyến cao tốc khác. Trước hết phải hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam và sau đó sẽ làm thêm các tuyến cao tốc khu vực Tây Nguyên, miền Tây và các dự án khác trong tương lai", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, cùng với dự án này, trong sáng ngày 30/9, Bộ GTVT đã chính thức khởi công các dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây. Các dự án sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác (dự kiến cuối năm 2022), cùng với các dự án khác sẽ từng bước hình thành nên tuyến cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông hiện đại.
"Sau khi đưa vào khai thác các tuyến cao tốc này sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị đặc biệt là 3 vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ. Góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế; giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, kết nối và phát huy hiệu quả các đoạn đường bộ đã và đang đầu tư; tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương có dự án đi qua", Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết.
Đại diện Liên danh nhà thầu gói thầu XL01 (Công ty cổ phần Thăng Long - Công ty cổ phần Đạt Phương - Cty TNHH xây dựng Tự Lập), ông Phạm Kim Châu, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đạt Phương cho biết, các đơn vị trong Liên danh là những doanh nghiệp đã từng thi công nhiều công trình có qui mô lớn, kỹ thuật phức tạp. Đại diện nhà thầu cam kết sẽ triển khai thi công gói thầu XL01 với tinh thần và trách nhiệm cao nhất, đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án.
Đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài 100,8 km, đi qua các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam thuộc tỉnh Bình Thuận. Điểm đầu tại Km 134, phía trước nút giao Vĩnh Hảo, thuộc địa phận xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, trùng với điểm cuối đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Điểm cuối của dự án trùng với điểm đầu dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.
Tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 4 làn xe, giai đoạn 2 đầu tư mở rộng thành 6 làn xe. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022.
Trụ sở: Số 211 Trần Não, Phường An Khánh, TP Thủ Đức, Hồ Chí Minh - VPGD: Số 150 Trần Não, Phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh
Hotline : 0938.48.14.14
2019 © CÔNG TY CỔ PHẦN TP HOLDING. All rights reserved. DEVELOPED BY WEBNEW